Tuần thai thứ 21 – Một nửa chặng đường thai kỳ đã trôi qua

Bước sang tuần thai thứ 21 chắc hẳn bạn đã quen với sự có mặt của bé con trong cơ thể mình rồi? Ở tuần thai này bé con sẽ “bứt phá” với sự tăng trưởng vượt trội đó.

Sự phát triển của thai nhi trong tuần thai thứ 21

Bắt đầu từ tuần thai này, chiều cao của bé yêu không chỉ được đo từ đỉnh đầu đến mông nữa mà đã được đo từ đỉnh đầu đến gót chân bởi bé đã duỗi cơ thể hơn ở những giai đoạn trước, lúc này em bé đã dài được khoảng 21 – 25,7 cm và nặng chừng 340 gram. Trông bé lúc này thật ra dáng một đứa trẻ sau khi chào đời.

tuần thai thứ 21

Các bé yêu ở tuần thai 21 đang rất tích cực chuyển động và nuốt nước ối trong bụng mẹ, nhờ việc nuốt nước ối đó mà đường tiêu hóa phát triển hoàn thiện hơn, bên cạnh đó bé cũng nhận được một số dinh dưỡng nhất định từ nước ối.

Bé yêu của bạn trong tuần này đã có thể cử động được tất cả các cơ và thậm chí còn có nhiều động tác khác. Bạn sẽ có cảm giác rằng bé ngày càng mạnh hơn và không còn chỉ máy nhẹ như trước đó nữa, khiến bạn tự hỏi không biết có vấn đề gì không. Tuy nhiên, tuần này thì bạn không cần phải lo lắng. Bạn đã có những lần giật mình bởi những cú đá mạnh và chọc vào thành tử cung chứ không còn là những rung động nhẹ như những giai đoạn trước. Làn da mỏng manh của bé vẫn rất nhăn nheo, bộ phận sinh dục gần như hình thành đầy đủ.

Trong tuần này, bạn được quyền thoải mái ăn uống, miễn sao bạn luôn nhớ rằng đó là để tăng cân cho bé, chứ không phải cho bạn. Em bé của bạn đang bắt đầu hình thành một chất quan trọng trong phổi, đó là surfactant – một chất giúp phổi hít đầy không khí ngay khi bé lọt lòng. Nếu người mẹ chuyển dạ sớm, thì cần được tiêm steroid để hỗ trợ cung cấp chất surfactant cho bé.

Trong tuần này, qua hình ảnh siêu âm có thể nhìn thấy các khoang tim và những mạch máu chính của tim bé. Lúc này, tai của bé đã hoàn thiện chức năng và sẽ phản ứng nếu có tiếng ồn lớn đột ngột sẽ khiến bé giật mình đạp mạnh. Xương của bé cũng dần cứng cáp hơn, do đó bạn nhớ uống canxi đầy đủ hàng ngày.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu trong tuần thai thứ 21

Bạn có thể nhận ra sự to ra rõ ràng của vòng hai, cơ thể nặng nề hơn trước và những hoạt động hàng ngày gần như không còn dễ dàng, tự nhiên như trước. Tử cung vẫn tiếp tục nâng lên cùng với sự phát triển của thai nhi, nếu dùng tay ấn nhẹ ở rốn bạn có thể cảm nhận được tử cung của mình.

Triệu chứng khó thở do áp lực của tử cung lên cơ hoành cũng là một trong những triệu chứng thường gặp khi mang thai. Hiện tượng giãn tĩnh mạch cũng sẽ xảy ra, những vết rạn da xuất hiện nhiều hơn trước, đặc biệt là ở ngực, bụng, mông, đùi,…

tuần thai thứ 21

Do sự thay đổi của hormone nên khuôn mặt của bạn lúc này có thể bóng nhờn hơn và cũng có thể xuất hiện mụn. Chân sẽ tiếp tục sưng phù vào cuối ngày, thỉnh thoảng bạn lại thấy có một vài điểm tím hoặc xanh trên đôi chân của mình do mạch máu giãn dễ gây bầm tím kể cả khi chỉ là một va chạm nhỏ.

Bạn sẽ có cảm giác háo hức và hồi hộp. Cảm giác gắn kết giữa bạn và bé ngày càng rõ nét hơn, và khó mà quên được chuyện bạn đang mang thai. Đối với nhiều phụ nữ thì đây là giai đoạn tuyệt vời nhất trong thời kỳ mang thai, do đó bạn hãy thoải mái tận hưởng nhé.

Việc kiểm tra sàng lọc bào thai ở vài tuần trước đó đôi khi có thể phát hiện ra những điều đáng lo hoặc những khả năng xấu mà chưa thể xác định rõ ràng 100% thì bạn hãy tìm hiểu và thực hiện sàng lọc lại bằng phương pháp sàng lọc không xâm lấn NIPT để vừa giải quyết được những lo lắng lại vừa nắm được tình trạng sức khỏe của con một cách an toàn nhất thay vì quyết định chọc ối.

Bạn thường bị chuột rút ở bắp chân và các cơ lân cận. Cơ thể của bạn có thể tự nhiên chuột rút bất cứ lúc nào, kể cả lúc nửa đêm. Đây là hiện tượng một cơ nào đó bị co rút, gây ra đau đớn. Nếu bị chuột rút ở bắp chân, bạn hãy cố duỗi thẳng chân và dùng tay nhẹ nhàng vuốt ngược các ngón chân về phía ống chân. Làm như vậy một vài lần, cơ sẽ được kéo giãn về lại vị trí ban đầu.

Đôi khi chứng chuột rút xảy ra do bạn thiếu canxi hoặc ma-gie hay muối trong khẩu phần ăn. Bạn chắc hẳn đã nghe đến các mẹo dân gian trị chuột rút như để một viên phấn hoặc một tép tỏi ở cuối giường. Hiệu quả nhất vẫn là phải đảm bảo cơ thể bạn nhận đủ nước và tập một vài bài thể dục thư giãn cơ trước khi đi ngủ vào buổi tối.

Lúc này bụng của bạn đã nhô lên và thật khó giấu chuyện bạn đang có thai. Mọi người sẽ chú ý đến bạn nhiều hơn, một vài người có thể thắc mắc và thậm chí còn hỏi có phải bạn đã có thai không.

Bạn sẽ có cảm giác như thể bàn tay mình đang bị kim chích. Thông thường, đây là do hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm) do nghẽn dịch quanh các dây thần kinh ở cổ tay, gây tác động lên các ngón tay cái và trỏ. Biện pháp vật lý trị liệu và mang nẹp tay có thể hạn chế cảm giác đau đớn và tê bì.

Chứng đau đầu, có thể không thường xuyên vào lúc này nhưng sẽ tăng trong vài tuần tới. Thủ phạm vẫn là hoóc môn thai sản. Vì thế đừng để cơ thể bị mất nước hay quá nóng. Khi đau đầu, bạn hãy nằm thư giãn trong một căn phòng tối và đắp một chiếc khăn mát lên mắt, hoặc ăn một chút thức ăn nhẹ. Tuy nhiên nếu đột nhiên bạn đau đầu dai dẳng kèm theo thị lực bị ảnh hưởng thì bạn nên tìm đến bác sĩ ngay.

Dịch âm đạo cũng sẽ ra nhiều hơn. Trong suốt thai kỳ, dịch âm đạo thường lỏng, màu trắng hoặc trong và không mùi. Nhiều thai phụ vì vậy dùng băng vệ sinh hàng ngày. Tuy nhiên, điều này lại dễ khiến vi khuẩn phát triển, vì thế nếu bạn thấy ngứa và nóng rát mỗi lần tiểu tiện, hãy đến gặp bác sĩ. Thường thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị nấm.

Bạn cũng sẽ bắt đầu cảm nhận những cơn co thắt không đau chủ yếu diễn ra ở phần trên của tử cung. Nếu đặt tay lên bụng, bạn có thể cảm nhận được những cơn co thắt này sau khi tập thể dụng, cúi gập người hay quan hệ tình dục, hoặc thậm chí khi bạn chẳng làm gì mấy. Đó chỉ là cơ thể bạn đang thực tập để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ thật sự về sau.

tuần thai thứ 21

Lời khuyên dành cho mẹ bầu trong tuần thai thứ 21

  • Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 8 ly nước) để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu và những bệnh phụ khoa khác.
  • Tránh mặc quần bó sát, có bông.
  • Vệ sinh âm đạo sạch sẽ.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, tránh hoạt động mạnh và làm việc quá sức.
  • Dùng kem dưỡng hoặc dầu dừa để giảm bớt và ngăn ngừa tình trạng rạn da.
  • Hạn chế lượng đường trong các loại thực phẩm ăn mỗi ngày tránh tình trạng tiểu đường.

Bước qua mỗi tuần thai, bé yêu của bạn lại có những thay đổi “không thể ngờ”. Chính vì vậy, để tìm hiểu những thông tin chăm sóc sức khỏe khi mang thai, dinh dưỡng thai kỳ và theo dõi được con đã phát triển đến như thế nào, hãy cùng GENTIS xem ngay những thông tin của tuần thai kỳ tiếp theo TẠI ĐÂY.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ,
Quý khách vui lòng điền thông tin bên dưới để được hỗ trợ,
tư vấn một cách tốt nhất!