Tuần thai thứ 18
– Con “tập luyện” nhiều hơn những tuần thai trước –

Bước sang tuần thai này, chắc chắn mẹ bầu đã cảm nhận rõ rệt những cử động của bé con và cũng từ đây bé con sẽ phát triển nhanh chóng, bắt đầu tạo áp lực lên những bộ phận của cơ thể mẹ bầu từ hông, lưng cho đến bụng, chân,… đều chịu sự tác động của bé.

Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 18

Tuần thai thứ 18 là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh chóng và cử động nhiều hơn. Cơ thể mẹ bầu cũng có nhiều sự thay đổi theo sự lớn lên của thai nhi. Ở tuần thai này, bé con đã lớn được khoảng 16 cm và nặng 0,16 kg. Hiện giờ, bé được bao quanh bởi khoảng 320 ml nước ối với nhiệt độ duy trì ở mức hơi cao hơn một chút so nhiệt độ cơ thể bạn. Lớp myelin đang dần hình thành và bao phủ lên các sợi trục thần kinh của bé.

tuần thai thứ 18

Từ tuần thai này, nếu như mẹ bầu thực hiện siêu âm sẽ có thể thấy được bộ phận sinh dục của con rõ nét, bác sĩ có thể xác định được giới tính của con, nếu như con là bé gái, ống dẫn trứng và tử cung đã được hình thành và phát triển ở đúng vị trí của mình. Móng chân, móng tay của bé dần cứng cáp hơn, lớp mỡ dưới da bắt đầu phát triển, lớp lông tơ mềm mại tiếp tục mọc lên và tóc dài hơn. Ngay từ tuần thai này, nhịp tim của bé có thể được nghe bằng ống nghe bình thường mà không cần dùng đến ống nghe đặc biệt nữa.

Xương và hệ thống dây thần kinh trong tai của thai nhi đã phát triển và cũng đi vào hoạt động, bé có thể nghe được tất cả những loại âm thanh trong cơ thể mẹ bầu như nhịp tim, chuyển động của máu,… và cả những âm thanh lớn ở bên ngoài có thể làm cho bé giật mình, vì vậy bạn hãy thường xuyên trò chuyện với bé để khi sinh ra bé có thể nhận ra giọng nói của bạn.

Cảm giác “máy bụng” không còn mơ hồ. Cử động của con trong bụng mẹ ngày càng nhiều và mạnh mẽ hơn giai đoạn trước. Những cú đạp và nhào lộn cho thấy bé đang phát triển và sự hoạt động hăng hái của bé như một cách đáng yêu báo cho bạn biết rằng bé của bạn đang khoẻ mạnh.

Cơ thể bạn thay đổi như thế nào trong tuần thai 18

Chắc hẳn ở tuần thai này bạn đã thấy sự phát triển nhanh chóng của con kéo theo những áp lực lên các bộ phận trên cơ thể mẹ như lưng, bụng, chân, hông,… và những cơn đau này có thể sẽ tìm đến bạn thường xuyên hơn, chân có hiện tượng phù nề và giãn tĩnh mạch. Đừng quá lo lắng vì đây là những điều hết sức bình thường trong quá trình mang thai.

Tình trạng mất nước có thể xảy ra khiến cho mẹ bầu bị chuột rút nhiều hơn. Cảm giác khó thở – nhất là khi tập thể dục do não mẹ bầu nhạy cảm hơn với mức độ lưu thông CO2 trong máu tăng cao.

tuần thai thứ 18

Việc đi vệ sinh thường xuyên hơn, kể cả vào ban đêm là một trong những điều không còn lạ lẫm nhưng lại có thể khiến bạn khó ngủ hơn. Bên cạnh đó, hệ thống tim mạch cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động và sự phát triển của thai nhi, nhiều mẹ bầu có thể mắc phải tình trạng huyết áp thấp trong quá trình mang thai.

Từ tuần thứ 18 của thai kỳ, do trọng lực cơ thể thay đổi, bạn sẽ có dáng đi hơi khác một chút so với bình thường để thích nghi với chiếc bụng bầu ngày một lớn dần lên. Hãy chú ý tư thế đi lại của bạn và đừng cong lưng. Nếu làm công việc văn phòng, bạn hãy điều chỉnh ghế ngồi sao cho thật thoải mái để bớt đau lưng.

Hãy sắp xếp công việc hợp lý, bố trí chỗ làm việc thuận tiện cho việc đi lại và tranh thủ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Do sự thay đổi của các nội tiết tố trong cơ thể khiến chân bạn có khuynh hướng sưng phù. Đã đến lúc nói tạm biệt với những đôi giày cao gót, bạn chỉ nên mang những đôi giày có đế thấp và bằng.

Tim bạn làm việc tích cực hơn để bơm khoảng 7 lít máu mỗi phút để đi khắp cơ thể. Do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, các mạch máu sẽ phình to nhằm giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Việc này gây chèn ép tĩnh mạch và là nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ thường phổ biến trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các chứng bệnh này sẽ giảm sau khi sinh bé, vì vậy bạn đừng quá lo lắng.

Thống kê cho thấy có khoảng trên 50% phụ nữ mang thai phải đối mặt với bệnh nám da thai kỳ. Phần lớn, khi mang thai, da của phụ nữ trở nên xỉn màu, lỗ chân lông to, vùng chữ T bóng nhờn, vùng da ở gò má xuất hiện các vết nám. Nguyên nhân là do nội tiết trong cơ thể thay đổi làm rối loạn sắc tố da. Sạm da khi mang thai chỉ là một hiện tượng sinh lý thông thường và phần lớn các vết nám này sẽ sớm biến mất sau khi bé chào đời. Vì vậy, các bà bầu không nên quá lo lắng, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nếu muốn, bạn có thể dùng một chút phấn nền hoặc kem che khuyết điểm để che đi các vết nám không mong muốn. Ngoài ra, bạn nên dùng kem chống nắng khi đi ra đường. Các tia UVA và UVB có trong ánh nắng mặt trời sẽ càng làm cho tình trạng nám trở nên tồi tệ hơn.

Những thay đổi về cảm xúc của mẹ bầu trong tuần thai 18

Từ tuần thứ 18 của thai kỳ, có rất nhiều cặp vợ chồng lo lắng về quá trình sinh nở sẽ như thế nào và họ sẽ ra sao trong vai trò mới toanh sắp tới. Tất cả những lo lắng này đều hết sức bình thường. Hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ về những băn khoăn của bạn để nhận được những giải đáp và lời khuyên hữu ích nhất.

Chồng bạn chỉ mới cảm nhận về bé qua những thay đổi của bạn trong thai kỳ. Vì vậy, bạn hãy tạo cơ hội cho anh ấy gần gũi với bé hơn. Đừng quên thu xếp lịch để anh ấy có thể đưa bạn đi siêu âm và cùng tham gia các lớp học tiền sản.

tuần thai thứ 18

Lời khuyên dành cho mẹ bầu trong tuần thai thứ 18

  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều tiếng ồn lớn.
  • Cả cha và mẹ cùng trò chuyện với bé nhiều hơn.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc
  • Siêu âm kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.
  • Massage, ngồi thiền, tắm nước ấm sẽ giúp mẹ bầu đỡ đau mỏi hơn rất nhiều.
  • Nếu bạn lo lắng vì mắc phải bệnh giãn tĩnh mạch, hãy thường xuyên mang vớ cho bà bầu để hỗ trợ đôi chân và nâng đỡ phần bụng dưới. Tranh thủ nghỉ ngơi, thả lỏng chân tay khi có thể và tránh đứng quá lâu.
  • Đảm bảo chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước sẽ giúp bạn xóa tan nỗi lo bệnh trĩ. Chất xơ có nhiều trong các loại đậu, ngũ cốc, rau và trái cây.
  • Bạn không nên cố nhịn khi có nhu cầu đi vệ sinh nếu không về lâu về dài sẽ gây ra những chứng bệnh không đáng có.
  • Tham gia ngay các lớp học tiền sản nhằm giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất để đón bé chào đời.
  • Đau lưng là một bệnh rất phổ biến trong thai kỳ. Vì vậy, bạn hãy học cách bảo vệ lưng và luyện tập hợp lý để giảm đau lưng.

Trong quá trình mang thai cơ thể bạn có rất nhiều thay đổi, hãy lắng nghe cơ thể mình để phần nào nắm được tình trạng phát triển của con cũng như để nhận thấy những bất thường của sức khỏe sớm nhất có thể, nếu như có bất thường nào đến sức khỏe hãy chủ động gặp bác sĩ sớm nhất có thể để được khám, xác định nguyên nhân và có phương pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Bước qua mỗi tuần thai, bé yêu của bạn lại có những thay đổi “không thể ngờ”. Chính vì vậy, để tìm hiểu những thông tin chăm sóc sức khỏe khi mang thai, dinh dưỡng thai kỳ và theo dõi được con đã phát triển đến như thế nào, hãy cùng GENTIS xem ngay những thông tin của tuần thai kỳ tiếp theo TẠI ĐÂY.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ,
Quý khách vui lòng điền thông tin bên dưới để được hỗ trợ,
tư vấn một cách tốt nhất!