Tuần thai thứ 17

– Chiếc “ba lô ngược” bắt đầu phát triển nhanh chóng –

Bước sang tuần thai thứ 17, vậy là mẹ bầu đã đồng hành cùng bé con được nửa chặng đường của thai kỳ rồi, ở giai đoạn này cơ thể bạn đã có những thay đổi đáng kể, mặc dù chiếc bụng vẫn chưa hẳn đã ra dáng một bà bầu nhưng bụng vẫn đang tiếp tục lớn dần lên cùng với sự phát triển của bé con.

Sự phát triển của thai nhi trong tuần thai thứ 17

Bước sang tuần thai 17, bé con của bạn đã có chiều dài đầu – mông khoảng 14 cm, nặng 0,12kg. dây rốn dài và dày hơn giai đoạn trước. Cơ thể thai nhi dần hình thành những mô mỡ, chất béo để cung cấp cho thai nhi những năng lượng cần thiết giúp con có thể tự điều chỉnh thân nhiệt của mình cũng như quá trình trao đổi chất của cơ thể.

tuần thai thứ 17

Da và tuyến mồ hôi tiếp tục phát triển cùng với cơ thể, xương của bé cũng đã cứng dần lên, các khớp xương liên tục phát triển giúp bé con cử động dễ dàng hơn. Thân hình bé con lúc này phát triển hài hòa hơn, tay và chân của đã “bắt kịp” với kích thước của đầu. Mẹ bầu có thể cảm nhận được sự chuyển động rõ ràng của con khi mẹ bầu đang ăn hoặc nằm xuống, tuần này xuất hiện một chất đặc biệt giúp bé bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi tác động từ nhiệt độ bên ngoài của môi trường sau khi sinh.

Bé bắt đầu biết nuốt dịch nước ối và thận đã bắt đầu làm việc để sản xuất ra nước tiểu. Những sợi tóc tiếp tục phát triển và một lớp lông tơ mịn phủ đầy khắp cơ thể. Thông thường, những em bé sinh non khi sinh ra sẽ có nhiều lông tơ trên lưng và cánh tay. Một số bé lại có khuynh hướng hói trong vài tháng và có một chỏm tóc mọc trên đầu.

Giai đoạn này, bé sẽ ngủ nhiều và tích lũy năng lượng cho sự hình thành và phát triển cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra những hoạt động của bé khi bé chuyển động xoay người và máy đạp bụng mẹ, nhất là khi bạn đang ngủ.

Sự thay đổi cơ thể và tâm lý của mẹ bầu trong tuần thai thứ 17

Nếu như ở tuần thai này, bụng của bạn có kích thước nhỏ hơn bụng của các mẹ bầu khác cùng khoảng tuần tuổi thai thì cũng đừng quá lo lắng bởi cơ địa của mỗi người là khác nhau, trong thực tế không thể biết chính xác kích thước, sự phát triển và giới tính của thai nhi chỉ dựa vào vẻ bề ngoài của bụng mẹ.

Cơ thể mẹ bầu vẫn tiếp tục có những thay đổi cùng với sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu đã có thể cảm nhận được vòng 2 của mình lớn lên từng ngày, ngay từ thời điểm này bạn đã có thể chia sẻ công việc nhà của mình với ông xã để cơ thể được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể

tuần thai thứ 17

Đồng thời với việc bụng ngày càng to lên đó là tử cung cũng không ngừng phát triển, đẩy ruột của mẹ bầu về một phía bên của bụng, đỉnh của tử cung dần tròn và kéo dài hơn. Khi này, mẹ bầu sẽ thấy việc đứng sẽ “dễ thở” hơn so với khi nằm. Những vết rạn dần xuất hiện nhiều và rõ nét hơn, đặc biệt là vùng bụng, đùi và ngực, mẹ bầu không tránh khỏi những cảm giác ngứa khó chịu trên da.

Dịch tiết âm đạo chảy ra nhiều hơn đồng thời tuyến mồ hôi cũng hoạt động mạnh hơn do sự thay đổi của hormone. Những cơn đau mỏi cơ sẽ kéo đến chân và hông nhiều hơn so với thời gian trước.

Ngay từ tuần thai này mẹ bầu đã có thể bắt đầu nghĩ đến kế hoạch sắp xếp chỗ ăn ngủ cho con. Trong 12 tháng đầu đời, nôi cũi sơ sinh là chỗ ngủ an toàn nhất cho bé. Hãy đặt nó ở cạnh giường bạn để tiện theo dõi và chăm sóc bé.

Ở tuần thai thứ 17 này, bạn có thể cảm thấy khó thở và thấy mệt mỏi hơn một chút, hệ tuần hoàn phải làm việc tích cực để bơm máu đi nuôi cơ thể và qua cuống nhau vào bé. Chính vì vậy, bạn cần đảm bảo bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin C và sắt có trong thịt bò, rau xanh, ngũ cốc và trái cây tươi,…

Nhiệt độ cơ thể tăng lên khiến bạn cảm thấy nóng nực và bị đổ mồ hôi nhiều hơn. Điều này khiến bạn không muốn mặc các loại quần áo dày. Quạt và máy điều hoà có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn cũng nên thường xuyên tắm với nước ấm và tránh mặc các loại vải làm từ sợi tổng hợp.

Bạn nên thận trọng với bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Niệu đạo của phụ nữ ngắn và ở gần 2 cơ quan âm đạo và lỗ hậu môn nên rất dễ gây viêm nhiễm ngược dòng. Một biện pháp phòng đơn giản nhưng rất có hiệu quả là vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường sinh dục, tiết niệu hàng ngày, trước và sau khi quan hệ tình dục. Đồng thời, luôn rửa và lau sạch vùng kín theo hướng từ trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh để tránh hiện tượng đưa vi khuẩn vào niệu đạo gây viêm nhiễm ngược dòng.

Nên tập thói quen uống nhiều nước và không nên cố nhịn khi bạn có nhu cầu đi vệ sinh. Đừng vội vã mà hãy cho bạn đủ thời gian để giải quyết hết mọi thứ trong bụng. Bạn cũng có thể mắc chứng ợ nóng thai kỳ. Lượng hormone tăng cao trong thai kỳ làm chậm quá trình tiêu hoá, thức ăn ở trong dạ dày lâu hơn, khiến cho axit được tiết ra nhiều hơn. Cảm giác nóng rát sau ngực xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị giãn khiến cho axit ở trong dạ dày trào ngược lên thực quản.

tuần thai thứ 17

Việc duy trì một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp ngăn chặn chứng ợ nóng trong suốt thai kỳ. Bạn cần tăng cường các loại thức ăn có dạng lỏng, loại bỏ ra khỏi bữa ăn những thực phẩm dễ gây ợ nóng như thức ăn cay, các món nướng, chocolate, cà phê, rượu, bia và đồ uống có gas. Nếu các triệu chứng ợ nóng quá khó chịu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc kháng axit.

Một vài thay đổi về tâm lý của mẹ bầu

Bạn cảm thấy háo hức mong chờ những cử động đáng yêu của bé. Bạn thường có thói quen đặt tay lên bụng và chờ đợi những chuyển động nhẹ nhàng của bé để chắc chắn rằng bé của bạn vẫn phát triển khỏe mạnh.

Ở giai đoạn này, bạn có xu hướng tập trung mọi sự quan tâm vào thai nhi. Điều này giúp bạn ưu tiên sàng lọc những việc nên và không nên làm trong quá trình mang thai.

Nếu cảm thấy lo lắng, bồn chồn hay không thoải mái về điều gì đó, đừng gặm nhấm nỗi lo một mình, hãy chia sẻ những băn khoăn với bác sĩ và đừng ngần ngại nhờ người thân giúp đỡ bạn khi cần để tinh thần được thoải mái nhất có thể.

Lời khuyên dành tặng mẹ bầu trong tuần thai 17

  • Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên để tránh những cơn đau mỏi cơ cho từ giờ đến hết thai kỳ.
  • Chọn một tư thế ngủ sao cho thoải mái nhất tránh làm ảnh hưởng đến thai nhi và chính bản thân mẹ bầu.
  • Tập trung chăm sóc da, tìm hiểu và lựa chọn những loại kem chống rạn da.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, giai đoạn mang thai với sự thay đổi của hormone sẽ khiến cho mẹ bầu dễ mắc phải viêm âm đạo.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để thai nhi tiếp tục phát triển ổn định về cân nặng.
  • Tìm hiểu và áp dụng những phương pháp thai giáo khoa học
  • Tham gia những lớp học, hội, nhóm dành cho bà bầu để chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc thai nhi.
  • Chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè để tâm lý được thoải mái nhất có thể.

Bước qua mỗi tuần thai, bé yêu của bạn lại có những thay đổi “không thể ngờ”. Chính vì vậy, để tìm hiểu những thông tin chăm sóc sức khỏe khi mang thai, dinh dưỡng thai kỳ và theo dõi được con đã phát triển đến như thế nào, hãy cùng GENTIS xem ngay những thông tin của tuần thai kỳ tiếp theo TẠI ĐÂY.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ,
Quý khách vui lòng điền thông tin bên dưới để được hỗ trợ,
tư vấn một cách tốt nhất!